Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

9 thực phẩm thiên nhiên giảm nhẹ chứng ợ nóng

Thủ phạm thường là những thực phẩm nhiều gia vị hay chiên, cũng như caffeine và rượu. Có những loại thực phẩm và đồ uống giúp làm dịu sự khó chịu của chứng ợ nóng bằng cách trung hòa acid trong khi ăn uống.

Trà gừng

Trà gừng là một cứu cánh tuyệt vời và lâu đời đối với nhiều bệnh tiêu hóa. Đơn giản chỉ cần gọt vỏ hoặc rễ gừng và ngâm trong nước sôi để làm trà uống giảm chứng ợ nóng, tác giả của Gutbliss nói: "Đó là một thực phẩm hiệu quả chống viêm và là một trong những thực phẩm tốt nhất cho trào ngược acid."

giam nhe o nong, Tra gung giam nhe chung o nong

Trà gừng giảm nhẹ chứng ợ nóng

Chuối

Trái cây tự nhiên ít acid này là một thực phẩm “thông minh” để hạn chế các triệu chứng ợ nóng. "Một quả chuối sẽ giúp giảm khó chịu vì nó sẽ dính vào niêm mạc thực quản bị kích thích" Gerard E. Mullin, MD nói. "Nó tạo thành một màng áo khoác bảo vệ và làm dịu kích thích."

Sữa hạnh nhân

Bạn sẽ bắt đầu một ngày của bạn tránh các rắc rối tiêu hóa, nếu bạn pha trộn một ly sinh tố sữa hạnh nhân cho ăn sáng. "Nếu bạn có xu hướng dễ trào ngược, sữa hạnh nhân là một cân bằng tuyệt vời" Chutkan nói. Hãy thử pha trộn với nhau 1 chén dâu tây, 1 quả chuối đông lạnh, sữa hạnh nhân không đường và rau bina để dùng có thể hạn chế tốt chứng ợ nóng.

Cháo bột yến mạch

Một bát bột yến mạch làm đệm lót dạ dày của bạn, nó cũng chứa nhiều chất xơ lành mạnh có thể hạn chế chứng trào ngược.

Rau lá xanh

Một bát rau luộc hoặc rau xắt nhỏ với nước cốt chanh hoặc tinh dầu ôliu sẽ làm ít khó chịu vì rau chứa ít chất béo. Ngược lại, các loại thực phẩm giàu chất béo làm chậm rỗng bao tử và có thể thúc đẩy trào ngược dạ dày.

Hạt thìa là

Loại thảo dược chữa bệnh này là một thành phần để ngâm vào trà và uống khi ợ nóng.

Cam thảo

Cam thảo giúp hình thành một lớp bảo vệ trên niêm mạc của thực quản. Ngoài ra, hoạt động nhai cam thảo làm cho bạn tiết ra nước bọt, do đó có thể giúp loại bỏ acid thừa.

Lô hội và Kefir

Chỉ cần trộn một muỗng cà phê nước ép lô hội với một ít kefir, tạo ra một thức uống lên men từ sữa. Hỗn hợp này có thể giúp giảm các triệu chứng vì nước ép từ cây lô hội làm giảm viêm và chữa lành đường tiêu hóa, và kefir làm kiềm hóa môi trường acid. Tuy nhiên, tránh tiêu thụ nước ép lô hội quá nhiều vì nó có thể gây tiêu chảy và đau bụng.

Rau xanh

Rau như bông cải xanh, măng tây, đậu xanh, cần tây, súp lơ và tất cả đều chứa ít acid giúp tránh chứng ợ nóng. Tránh các loại gia vị có tính acid như bột ớt và hạt tiêu đen.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Prevention)

Ẩm ướt, coi chừng bệnh nấm phổi

Thời tiết ẩm ướt rất thuận lợi cho các loại nấm phát triển, trong đó có nấm Histoplasma gây bệnh ở phổi rất nguy hiểm. Loại nấm này gây bệnh viêm phổi nang sợi mạn tính hoặc hiếm gặp hơn là dạng nhiễm lan toả cấp tính ở phổi và gây tổn thương nhiều cơ quan như tim, gan, lách dễ dẫn đến tử vong.

Ai dễ mắc bệnh nấm phổi?

Bệnh dễ xảy ra với những người làm việc ở vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân gà, vịt, chim hoặc phân dơi. Những người quét dọn hoặc tiếp xúc với chuồng gà vịt, vùng đất dưới gốc cây có nhiều chim đậu, dưới hang dơi rất dễ mắc bệnh. Nấm Histoplasma capsulatum là loại nấm lưỡng hình, trông giống như một dạng mốc trong tự nhiên.

Người ta nhận dạng nấm dựa vào đặc điểm sợi nấm sinh ra những bào tử lớn và nhỏ, khi nuôi cấy nấm phát triển như một nấm hạt men mọc chồi tại mô của vật chủ hoặc trên thạch giàu dinh dưỡng. Bào tử của loại nấm này có kích thước rất nhỏ nên khi hít thở chúng có thể lọt vào đến tận phế nang, tại đây chúng chuyển dạng thành những thể chồi.

Khi bệnh tiến triển gây phản ứng viêm hạt mạnh, hoại tử bã đậu và canxi hoá trong phổi giống như bệnh lao. Ở người lớn nhiễm nấm có thể tạo thành mô sẹo hình khối tròn ở phổi. Đối với trẻ em bị nhiễm nấm lần đầu có thể khỏi hoàn toàn nhưng để lại những điểm canxi hoá ở hạch rốn phổi hay ở phổi; nhiễm nấm lan toả thoáng qua có thể tạo ra những u hạt lắng đọng canxi ở lách.

Dấu hiệu của bệnh

Nếu hít phải bào tử nấm vào phổi có thể sẽ bị viêm phổi nang sợi mạn tính hoặc nhiễm nấm lan tỏa cấp tính. Thể bệnh viêm phổi nang sợi mạn tính thường gặp nhiều hơn với các triệu chứng: bệnh khởi phát từ từ trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, ho khan tăng dần, sút cân, đổ mồ hôi về đêm. Nếu đi khám bệnh, bác sĩ sẽ cho chụp Xquang thấy hình ảnh thâm nhiễm hoá xơ hạch ở đỉnh phổi một hay cả hai bên.

Diễn tiến của bệnh theo hai hướng: tự ổn định, tự cải thiện sớm hoặc là tiến triển âm thầm. Tổn thương co rút và tạo hang xuất hiện ở những thùy phổi trên, đồng thời lan rộng đến các vùng khác của phổi. Các tổn thương tràn khí hoặc hình thành những bóng khí làm suy giảm chức năng hô hấp. Bệnh kéo dài dẫn đến tâm phế mạn hoặc nhiễm khuẩn phổi có thể gây tử vong.

Mô hình nấm Histoplasma xâm nhập phổi gây bệnh.
Đối với thể bệnh lan toả cấp tính, các triệu chứng gồm: sốt, gầy sút nhanh, gan, lách to, nổi hạch, vàng da. Đi khám làm các xét nghiệm thấy thiếu máu, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Lưu ý rằng các triệu chứng này cũng gặp trong bệnh lý viêm phổi nang sợi mạn tính, nhưng bệnh mạn tính có xu hướng khu trú nhiều hơn.

Khoảng 25% bệnh nhân có những vết loét cứng ở miệng, lưỡi, mũi, thanh quản. Bệnh nhân còn có thể bị viêm gan dạng hạt, loét đường tiêu hoá, viêm màng trong tim và viêm màng não mạn tính. Chụp Xquang thấy hình ảnh tổn thương ở phổi giống như lao kê.

Để chẩn đoán xác định bệnh nhiễm nấm Histoplasma, đối với bệnh nấm lan toả cấp tính, người ta dùng phương pháp nuôi cấy nấm từ các bệnh phẩm như: máu, tủy xương, các tổn thương ở niêm mạc, gan, dịch rửa phế quản. Viêm phổi mạn tính do nấm thì cấy đờm để phát hiện nấm gây bệnh.

Tuy nhiên trên thực tế hầu hết bệnh nhân nhiễm nấm không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ như ho, sốt, mệt mỏi, chụp Xquang có hình ảnh hạch rốn phổi, có thể có một hay nhiều vùng phổi viêm nên rất khó phát hiện bệnh. Một số bệnh nhân có xuất hiện ban đỏ nút và ban đỏ đa dạng. Một số bệnh nhân khác lại có viêm màng ngoài tim bán cấp.

Các cơ quan trong trung thất bị bao bọc bởi hiện tượng xơ hoá. Tình trạng chèn ép tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch chủ trên, động mạch phổi và thực quản xảy ra trong nhiều năm. Ở giai đoạn muộn của bệnh trung thất, thấy tế bào nấm sống trong tổ chức bã đậu của hạch bạch huyết.

Tổn thương phổi do nấm trên phim chụp cắt lớp.

Chú ý trong chữa và phòng bệnh

Nhìn chung bệnh nhân đã bị bệnh nấm Histoplasma lan toả cấp tính hay mạn tính đều phải điều trị bằng kháng sinh chống nấm dài ngày. Đối với bệnh nhân bị xơ hoá trung thất có thể cần phải phẫu thuật để điều trị.

Cách phòng bệnh hiệu quả là khi làm việc hay sinh hoạt ở những vùng đất ẩm, đặc biệt là đất có nhiều phân chim, phân dơi, người quét dọn chuồng gà, chuồng nuôi gia cầm, thủy cầm phải mặc quần áo bảo hộ lao động, đội mũ và đeo khẩu trang để chống nấm xâm nhập, ngăn chặn hít phải nấm vào phổi. Cha mẹ hoặc người bảo mẫu phải quản lý tốt trẻ nhỏ, không để trẻ nô đùa ở những nơi ẩm thấp có nhiều phân chim, phân gia cầm, phân dơi. Khi phát hiện các triệu chứng nghi nhiễm nấm ở phổi cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

BS. Nguyễn Thị Loan

Đau thần kinh liên sườn, vì sao?

Nguyễn Thu Trang(trangguyen@gmail.com)

Đau thần kinh liên sườn là một bệnh rất thường gặp, triệu chứng điển hình của bệnh là đau tức ngực, đau mạng sườn, là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực, lan theo mạng sườn ra phía sau ở cạnh cột sống. Có nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn. Do thoái hóa cột sống; Do lao cột sống hay ung thư cột sống; Bệnh lý tổn thương tủy sống (củ rễ thần kinh, u ngoại tủy); Do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona. Do đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng, có thể là do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi. Da và các cơ quan vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Ngoài các nguyên nhân gây bệnh kể trên, đau dây thần kinh liên sườn còn do các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) và một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, nhiễm độc một số kim loại như chì, viêm đa dây thần kinh… Về điều trị: tùy nguyên nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể.

BS. Đinh Thị Thanh

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nấm da đầu

Nấm da đầu lan rộng bằng cách lây lan trực tiếp qua các tế bào trên da đầu, hay gián tiếp do việc dùng chung mũ, lược, dây buộc tóc với người mắc bệnh. Nấm da đầu là nguyên nhân dẫn tới hói đầu, rụng nhiều tóc, bong vảy, loét và chảy mủ. Kèm theo đó là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và có mùi lạ trên da đầu.

Đa dạng các loại nấm gây rụng tóc

Có nhiều loại nấm da đầu trong đó có trường hợp nhiễm nấm tổ ong. Đây là một bệnh ít gặp do lây từ động vật như chó, mèo... Đầu tiên, các mụn mủ ở một số chân tóc, sau đó lan dần ra xung quanh, tạo thành mảng lớn nổi cao thâm nhiễm. Bề mặt tổn thương gồ ghề, có nhiều vảy, nếu cạy vảy, lỗ chỗ như tổ ong chứa nhiều mủ nên gọi là”tầng ong mật”, tóc bị rụng tại đám thương tổn.

Nấm tổ ong thường gặp ở da đầu trẻ em nhưng vẫn có những trường hợp xảy ra ở người lớn. Ở đàn ông, thương tổn có thể gặp ở vùng râu cằm.

Nguyên nhân gây bệnh là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại nấm sợi. Các loài nấm hay gặp trong nấm tổ ong là Micosporum canis, Trichophyton tonsurans, Trichophyton verrucosum,Trichophyton mentagrophytes. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng. Điều đáng lưu ý có thể lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người. Khi nhiễm nấm bệnh có biểu hiện ở da đầu nhưng có thể gặp ở các vị trí khác có phơi nhiễm với nấm như da mặt, cổ, chi trên, dễ bị chẩn đoán nhầm với ápxe do vi khuẩn. Kích thước của ápxe khoảng vài centimét, chỉ có một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn.Trong ổ ápxe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề. Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng toàn thân khác như hạch vùng sưng to, sốt, mệt mỏi, các dát ngứa giống chàm (eczema).

Nấm da đầu - nấm tócNấm tóc là bệnh lây, nên cần lưu ý để phòng tránh lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình

Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với: viêm nang lông lan tỏa ở da đầu, các bệnh nấm có mủ, ápxe do vi khuẩn, chốc ở da đầu.

Đối với một số loại nấm làm trụi tóc trong đó phải kể đến loại nấm Trichophyton violaceum,  Trichophyton tonsurarans, Trichophyton sondaneuse... Loại nấm này có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Thương tổn cơ bản là các đám bong vảy ở da đầu. Tóc trong vùng bị bệnh gãy sát da đầu, nhìn kỹ thấy các chấm đen. Có thể các mảng bong vảy liên kết tạo thành mảng lớn tóc gãy không đều. không thấy ngứa.

Một số loại nấm như: Microsporum andouini, Microsporum langeroni, Microsporum canis gây xén tóc. Bệnh hay gặp ở trẻ em và lây truyền do dùng chung mũ, nón, lược. Thương tổn là các mảng da bong vảy ở đầu, hình tròn hay bầu dục. Tóc trong vùng đó bị xén cách da đầu khoảng 5 - 8cm. Chân tóc còn lại được phủ một lớp trắng như đi bít tất.

Điều trị bệnh nấm tóc

Nấm tóc là bệnh có nhiều nguyên nhân nên cần được điều trị theo đơn của bác sĩ. Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách dùng thuốc để điều trị hiệu quả. Không tự dùng các loại thuốc kháng nấm vì có thể gây ảnh hưởng tới gan, thận.

Khi thấy ngứa và nổi sẩn ở da đầu, cần kịp thời đến khám bệnh ở thầy thuốc chuyên khoa da liễu

Các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc bôi tại chỗ và có thể thuốc uống. Riêng nấm tổ ong bệnh nhân sẽ được chích rạch mủ, bôi thuốc chống nhiễm khuẩn, phối hợp thuốc chống nấm. Có thể cho kháng sinh chống nấm đường toàn thân.

Để chống nấm lan rộng trên da đầu, nên sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox. Tóc trên thương tổn thường mọc lại sau khi đã hết nhiễm trùng, tuy nhiên, rụng tóc có thể vĩnh viễn trong những trường hợp nhiễm trùng kéo dài.

Phòng bệnh nấm tóc

Không gội quá nhiều, không dùng nước gội có độ tẩy gàu cao, không cào gãi mạnh làm xây xước da đầu. Luôn giữ tóc khô, sạch. Nên xả nhiều nước sau khi gội đầu, làm khô tóc sau khi gội hay đi ngoài trời mưa. Không đội mũ quá chật và ủ quá lâu, sẽ làm cho tóc ẩm, dễ bị bệnh. Tránh gội đầu quá nhiều và dùng chung khăn, lược, mũ với người khác, đặc biệt là những người tóc có nhiều gàu hoặc các biểu hiện của bệnh nấm tóc.

Khi thấy ngứa và nổi sẩn ở da đầu, cần kịp thời đến khám bệnh ở thầy thuốc chuyên khoa da liễu. Việc tự ý bôi thuốc không những không có tác dụng mà còn làm bệnh trở nên nặng thêm. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có chế độ gội đầu hợp lý, bệnh viêm chân tóc có thể chữa khỏi.

BS. TRẦN THỊ HUYỀN

Cảnh giác với biến chứng do viêm da cơ địa

Bệnh VDCĐ (Atopic Dermatitis-AD) hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, liken đơn dạng mạn tính. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ và bệnh rất hay tái phát. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng mặc dù ít gây nguy hiểm.

Nguyên nhân gây VDCĐ

VDCĐ liên quan khá chặt chẽ với cơ địa dị ứng hoặc có liên quan đến yếu tố gia đình mắc bệnh dị ứng (hen suyễn, viêm mũi dị ứng, tổ đỉa, chàm...) tức là di truyền. Kết quả tổng kết của các tác giả cho thấy 60% người bị VDCĐ, khi sinh con, con cũng bị bệnh này. Nếu cả bố mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh viêm da cơ địa. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em (khoảng 35%) hoặc do sức đề kháng của cơ thể kém hoặc ăn nhiều thực phẩm, gia vị có tính cay nóng (tiêu, ớt, mù tạt, dầu ăn, cà phê, rượu, bia... Ngoài ra, có thể gặp ở người mắc bệnh về gan làm cho gan bị tổn thương không thực hiện được chức năng thải độc của nó.Khi mắc bệnh về da, cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Khi mắc bệnh về da, cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

Biểu hiện của bệnh VDCĐ

Triệu chứng thường biểu hiện qua các giai đoạn của bệnh:

Giai đoạn cấp tính, vùng da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, nếu bị bội nhiễm vi khuẩn (vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh) sẽ hình thành các mụn mủ và vẩy tiết. Vùng da bị viêm trong bệnh VDCĐ, với trẻ nhỏ thường biểu hiện ở hai má và trán, sau đó lan ra mặt (xung quanh miệng thường không bị). Tổn thương da ban đầu là da khô, ngứa lặp đi lặp lại nhiều lần. Đồng thời xuất hiện ban đỏ, phù nhẹ, nổi mẩn, ngứa và mụn nước, sau đó loét, chảy dịch, kết vảy, có khi chảy máu do gãi nhiều. Vị trí hay gặp là mặt, trán, mặt gấp các chi, gáy, mi mắt, cổ tay, mu tay, mu chân, trường hợp nặng có thể lan ra tay, thân mình.

Giai đoạn bán cấp, bệnh biểu hiện với các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.

Giai đoạn mạn tính, da dày thâm, ranh giới rõ, liken hóa, các vết nứt sẽ gây đau, với trẻ sẽ khóc nhiều, kém ăn, ít ngủ. Đây là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Thương tổn ở giai đoạn này hay gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt và viêm ngứa họng, hen suyễn (ở trẻ gọi là viêm phế quản co thắt hoặc hen phế quản).

Những biến chứng thường gặp do bệnh VDCĐ

VDCĐ nói chung không gây ra biến chứng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nhưng nếu không điều trị đúng, kịp thời hoặc trị liệu không phù hợp sẽ khiến bệnh dễ tái đi tái lại, có thể để lại những vết sẹo nghiêm trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tổn thương da về sau. Bởi vì, đặc điểm của VDCĐ gây ngứa có thể âm ỉ hoặc bùng phát dữ dội. Càng ngứa càng gãi nhiều, càng gãi lại càng có cảm giác ngứa nhiều hơn, chính vì vậy mà da ngày một bị dày lên, bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn mưng mủ, lở loét da ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Ngứa, với trẻ nhỏ sẽ hay quấy khóc, ăn kém, ngủ kém; với trẻ lớn, người lớn sẽ ảnh hưởng đến học tập, công việc và cuộc sống hàng ngày.Tổn thương do viêm da cơ địa.

Tổn thương do viêm da cơ địa.

Mặt khác, sau ngứa, bệnh dần dần nặng hơn nếu không được điều trị, vì vậy, vùng da phát bệnh bị phù nề, chảy dịch, đóng vẩy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết trợt, bội nhiễm vi khuẩn, nhất là do vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc vi khuẩn mủ xanh sẽ tạo các mụn mủ, rất khó khăn cho việc chữa trị và có thể gây nhiễm khuẩn huyết. Bởi vì, vi khuẩn tụ cầu vàng cũng như vi khuẩn mủ xanh kháng nhiều loại kháng sinh, ngay cả kháng sinh thế hệ mới. Hậu quả của nhiễm trùng da do viêm da cơ địa (gãi) sẽ để lại sẹo sau khi chữa trị hết bội nhiễm làm mất mỹ quan, nhất là bệnh xảy ra ở vùng mặt. VDCĐ nếu kéo dài khiến làn da trở lên sần sùi, mẩn đỏ, dày lên gây mất thẩm mỹ rất lớn, nhất là ở các vị trí nguy hiểm như mắt, mặt. Đáng chú ý nhất là VDCĐ rất hay tái phát, đặc biệt là lúc thời tiết chuyển mùa (nóng sang lạnh, mưa nhiều, ẩm ướt, gió mùa Đông Bắc tràn về...)

Nếu viêm nhiễm xuất hiện ở dây thần kinh, mắt, mặt sẽ rất nguy hiểm, bởi vì có thể tác động tới dây thần kinh, gây đau cơ, đau đầu trong một thời gian. Phụ nữ mang thai mắc bệnh VDCĐ có thể ảnh hưởng xấu cho thai nhi, hơn nữa việc dùng thuốc trong thời kỳ này cho bà mẹ mang bầu cũng khá khó khăn.

VDCĐ ngoài việc hay tái phát còn có khả năng làm xuất hiện một số bệnh khác (hen, viêm mũi dị ứng...) trên người có cơ địa dị ứng.

Khi nghi bị VDCĐ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng, kịp thời, tránh để bệnh gây ra biến chứng. Người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng.

Nguyên tắc phòng bệnh

Cần hạn chế tiếp xúc với các loại dễ gây dị ứng như mỹ phẩm không rõ nguồn gốc hoặc hóa chất gây dị ứng, lông chó, mèo hoặc các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, dễ kích thích (tôm, cua,...). Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, cần cảnh giác bệnh xuất hiện hoặc tái phát, nếu thấy dấu hiệu xuất hiện cần đi khám bệnh ngay. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và vệ môi trường sống tốt. Nếu đã mắc VDCĐ, nên tắm nước ấm thay vì nước lạnh. Hàng ngày nên uống đủ nước và dinh dưỡng đủ chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

BS. Việt Bắc

Các bệnh có thể dự phòng bằng vắc

Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Virut Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít virut Polio xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.

Khả năng tồn tại của virut bại liệt ở môi trường bên ngoài

Virut bại liệt có thể tồn tại trong phân vài ba tháng ở nhiệt độ 0-4°C. Trong nước, ở nhiệt độ thường, chúng sống được 2 tuần.

Virut bại liệt chịu đựng khô hanh, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C sau 30 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc tím (KMnO4). Liều clo thường dùng để diệt khuẩn nước không tiêu diệt được virut bại liệt.

Vắc-xin bại liệt bất hoạt đường tiêm (IPV) thay thế dần vắc-xin OPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vắc-xin bại liệt bất hoạt đường tiêm (IPV) thay thế dần vắc-xin OPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Biểu hiện lâm sàng

Thể liệt mềm cấp điển hình: Chiếm 1% với các triệu chứng sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Mức độ liệt tối đa là liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Liệt ở chi, không hồi phục làm bệnh nhân khó vận động hoặc mất vận động.

Thể viêm màng não vô khuẩn: Sốt, nhức đầu, đau cơ, cứng gáy.

Thể nhẹ: Sốt, khó ngủ, nhức đầu, buồn nôn, nôn, táo bón, có thể hồi phục trong vài ngày.

Thể ẩn, không rõ triệu chứng là thể thường gặp, song thể nhẹ có thể chuyển biến sang nặng.

Nguồn truyền nhiễm

Người là nguồn chứa duy nhất, đặc biệt là ở những người nhiễm virut bại liệt thể ẩn, nhất là trẻ em.

Nguồn truyền bệnh là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang virut. Họ đào thải rất nhiều virut bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm. Virut lây truyền sang người chủ yếu qua đường phân - miệng. Virut bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu, họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.

Biện pháp phòng bệnh

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất.

Vắc-xin sống giảm động lực đường uống (OPV) hiện đang được triển khai cho trẻ được 2,3 và 4 tháng tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Vắc-xin bát hoạt đường tiêm - virut bại liệt chết (IPV). (IPV) có tính an toàn cao hơn đã được Bộ Y tế đồng ý triển khai tiêm 1 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi, thay thế dần vắc-xin OPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trên thực tế vắc-xin IPV có thể là vắc-xin riêng rẽ hoặc kết hợp với các vắc-xin khác như vắc-xin 4 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt), 5 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib), 6 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - viêm gan b- Hib).

Chỉ định: trẻ từ 2 tháng tuổi

- Vắc-xin OPV: Trẻ từ 2-18 tháng tuổi, uống nhắc ở mọi lứa tuổi.

- Vắc-xin IPV: Trẻ từ 2 tháng tới 6 tuổi, tiêm nhắc ở mọi lứa tuổi.

Chống chỉ định:

- Vắc-xin OPV: Dị ứng nặng sau lần uống trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, với neomycin, streptomycin và polymycin B. Những người bị bệnh suy giảm miễn dịch hay đáp ứng miễn dịch bị giảm do dùng thuốc, bạch cầu cấp, u lympho hay khối u ác tính tiến triển.

- Vắc-xin IPV: Dị ứng nặng (sốc phản vệ) sau mũi tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, neomycin, streptomycin, polymycin B, phụ nữ có thai, sốt cao hoặc bệnh cấp tính.

Tác dụng không mong muốn

- Phản ứng thông thường:

+ Vắc-xin OPV: Sốt nhẹ, khó chịu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ, đau khớp, ở trẻ sinh quá non tháng (tuổi thai 28 tuần hay trước 28 tuần) trong 2-3 ngày sau khi tiêm chủng có thể bị cơn ngừng thở tạm thời.

+ Vắc-xin IPV: Đau sưng nóng nhẹ tại chỗ tiêm, chóng mặt, sốt nhẹ, quấy khóc, thường hết sau vài giờ đến 1-2 ngày.

- Phản ứng nặng:

+ Vắc-xin OPV: Rất hiếm gặp liệt do virut vắc-xin. Rối loạn thần kinh như dị cảm (cảm giác kiến bò, kim châm), liệt nhẹ, viêm thần kinh, viêm cột sống. Phát ban lan rộng.

+ Vắc-xin IPV: Rất hiếm gặp sốt cao/kéo dài cần nhập viện, sốc phảnvệ, phù nề, sưng hạch bạch huyết, mày đay, phù Quincke, đau khớp vừa và thoảng qua. Co giật kèm theo sốt trong vài ngày sau khi tiêm, bị kích động buồn ngủ hay dễ bị kích thích trong những giờ đầu tiên sau khi tiêm, phát ban lan rộng.

Những điều cần lưu ý

Tiêm 1 hoặc 2 liều IPV đầu tiên, sau đó cần tiếp tục tiêm trên 2 liều bOPV để đảm bảo đủ mức độ bảo vệ ở niêm mạc ruột cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh bại liệt liên quan đến vắc-xin. Cả 2 vắc-xin OPV và IPV có thể sử dụng đồng thời với những vắc-xin trẻ em khác.

(Theo tài liệu Khuyến cáo sử dụng vắc-xin cho mọi lứa tuổi ở VN)

Vũ Tùng

Phòng bệnh thường gặp sau mưa bão

Sau mưa, bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Hơn nữa, mưa và ngập úng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi và gây bệnh cho con người. Bài viết này cung cấp kiến thức để mọi người biết các bệnh có thể mắc phải sau mưa bão để có biện pháp phòng tránh và bảo vệ sức khỏe.

Sốt xuất huyết

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm, nước tù đọng là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó, bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mặt khác, sau mưa bão, các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh rất dễ lây và bùng phát trên diện rộng. Mùa mưa bão hàng năm đồng thời cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi. Để phòng bệnh, mọi nhà cần loại bỏ nơi sản sinh của muỗi, dẹp bỏ các dụng cụ chứa nước tù đọng, diệt bọ gậy/lăng quăng. Nên giữ vệ sinh nhà cửa và quanh nơi ở thật sạch sẽ để không có nước đọng trong nhà tạo nơi sinh sản cho muỗi.

Phun thuốc khử trùng vệ sinh môi trường sau mưa bão.

Bệnh đường hô hấp

Những ngày mưa bão kéo dài rất dễ làm gia tăng các bệnh đường hô hấp. Đối tượng thường gặp nhất là người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp. Bệnh thường gặp nhất là viêm họng, cảm cúm. Nếu không được điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc dinh dưỡng tốt có thể biến chứng sang viêm tiểu phế quản, phế quản, viêm phổi gây khó khăn trong điều trị.

Các dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp sau những ngày mưa bão là: Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, rát cổ họng, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Khó thở cũng là triệu chứng rất dễ gặp khi mắc các bệnh hô hấp. Cảm giác khó thở tăng lên do bất kỳ hoạt động thể lực nào. Cần thiết phải theo dõi mức độ hoạt động gây lên khó thở làm cơ sở đánh giá tình trạng bệnh. Khó thở khi nằm, khó thở thì hít vào, thì thở ra. Ho dai dẳng là phản xạ rất khó chịu của các bệnh hô hấp. Phản xạ ho có thể khởi phát bởi kích thích các cơ quan ở đường khí phế quản, đường hô hấp trên và những nơi khác như ở các xoang, ống tai, màng phổi, màng ngoài tim, thực quản, dạ dày và cơ hoành.

Khi gặp các triệu chứng trên, mọi người cần đi khám bệnh để điều trị, tránh biến chứng phức tạp.

Các bệnh về da

Sau mưa bão, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa…

Nước ăn chân: Thực chất là bị nhiễm nấm Candida và Blastomycet. Do chân tay ngâm trong nước nhiều, luôn ẩm ướt làm cho nấm xâm nhập và phát triển, hay gặp ở các kẽ ngón chân. Lúc đầu là những đám da chết mục màu trắng, ngứa nhiều, gãi lột lớp da chết để lại nền da đỏ hồng ẩm ướt, đau rát, ngứa vẫn tiếp tục làm bệnh nhân gãi và rất đau. Nếu không được điều trị, vết trợt loét sâu và lan rộng, nhiễm trùng sưng đau, đi lại khó khăn.

Ghẻ: Trong điều kiện vệ sinh kém, ghẻ cũng sinh sôi nảy nở và lây truyền rất nhanh. Do tiếp xúc trực tiếp giữa người bị ghẻ với người lành. Căn nguyên do ký sinh trùng có tên gọi: Sarcoptes Scabies xâm nhập vào da. Thương tổn là những mụn nước, rãnh ghẻ, hay gặp ở kẽ các ngón tay, nếp lằn chỉ cổ tay, cạp quần, vùng bụng, đùi non, mông bẹn, sinh dục, nếp lằn vú, nách, gây ngứa nhiều. Nếu không được phát hiện và chữa kịp thời, ghẻ sẽ có biến chứng nhiễm trùng thành những mụn mủ eczema hóa rất khó chữa trị và lây lan ra cộng đồng rất nhanh.

Viêm nang lông: Do thiếu nước sạch trong sinh hoạt, vi khuẩn phát triển ở những nang lông như đầu, lông nách, lông sinh dục, râu, lông mày tạo thành những mụn mủ nhỏ ở nang lông rất ngứa, gãi nhiều chảy nước, dịch, ướt tóc, gọi là viêm nang lông chàm hóa rất khó chữa.

Chốc lở: là một chứng bệnh da hay gặp khi điều kiện vệ sinh sau mưa bão kém. Thương tổn là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân. Khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu nâu bẩn, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.

Viêm kẽ do vi khuẩn: Cũng do thiếu nước sạch vệ sinh, mồ hôi ứ đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có tên gọi Corynebacterium minutissimum phát triển và gây bệnh. Vị trí dễ bị viêm là hai bẹn, nách, cổ và nếp lằn vú ở phụ nữ. Thương tổn là những đám da màu đỏ, bờ rõ, có vảy mỏng, hầu như không ngứa, trừ phi bị ở bẹn có cảm giác châm chích khó chịu.

Bệnh tiêu chảy cấp

Bệnh tiêu chảy thường gia tăng đáng kể sau mưa bão. Do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn nên dễ mắc tiêu chảy. Các bệnh như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli, Campylobacter...). Bệnh tiêu chảy cũng dễ lây lan từ người này sang người khác do tiếp xúc với chất thải của người bệnh với các triệu chứng cơ bản như đau bụng, mót rặn, tiêu chảy cấp.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Trong mùa mưa lũ, thời tiết ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut phát triển, kèm theo đó là việc phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn, là những nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đau mắt đỏ tăng cao sau mưa bão.

Khuyến cáo phòng bệnh sau mưa bãoNgười dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Giữ vệ sinh cơ thể, sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong khi làm vệ sinh môi trường, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.Ngoài ra, người dân cần chú ý thực hiện nằm ngủ phải mắc màn, tiêu diệt muỗi bằng nhiều cách để phòng bệnh sốt xuất huyết...Khi thấy những dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị ngay, không tự ý chữa bệnh tại nhà, bệnh không khỏi mà còn lây lan nhanh.

BS. Hoàng Hà